Tiêu chuẩn chọn pin dự phòng ai cũng nên biết

Sạc dự phòng được xem là nguồn năng lượng di động cho thiết bị phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết tiêu chí chuẩn để mua được pin sạc dự phòng tốt, đảm bảo an toàn với giá thành hợp lý. Sau đây chúng mình sẽ cung cấp những tiêu chuẩn bạn cần biết khi lựa chọn mua sạc dự phòng.

Dung lượng sạc – không nên quá nhiều so với nhu cầu

Mình tin rằng đây là tiêu chí đầu tiên mà mọi người luôn đặt ra khi mua pin dự phòng, dung lượng (mAh, hay còn gọi là Mili Ampe giờ) bao nhiêu là đủ? Hiện tại các hãng làm pin dự phòng đều đưa ra các mức dung lượng như sau: 3.000, 6.000, 10.000, 20.000, 26.000, 27.000 mAh,… trong đó mình thấy 10.000 là mức phổ biến nhất mà các sản phẩm pin dự phòng hiện nay hay có.

  • 10.000 mAh là mức không ít cũng không nhiều, ví dụ nếu bạn chỉ dùng pin để sạc cho smartphone thì mức dung lượng này rất phù hợp. Và các cục sạc có dung lượng 10.000 mAh thường sẽ gọn, không quá to, dễ mang đi.
  • Nếu bạn muốn vừa sạc điện thoại vừa sạc cho tablet, hoặc 2 điện thoại thì chọn lên 20.000 mAh cho thoải mái. Mình cảm thấy một cục pin lên đến 20.000 mAh là đã quá ổn để sạc nhiều lần thiết bị di động rồi.

Bạn không nên mua một cục pin có nhiều dung lượng hơn so với nhu cầu thật sự cần của cá nhân bạn. Vì như vậy bạn lại bỏ tiền nhiều hơn cho một sản phẩm mà chỉ thỉnh thoảng mới cắm sạc (ví dụ mua cục 26.000 hoặc 27.000 mAh chẳng hạn), và nó lại rất to và nặng, mang đi chiếm diện tích túi xách, ba lô. Như vậy hãy thử xác định nhu cầu của bản thân để tránh phung phí tiền.

Công nghệ sạc

Thật ra ai cũng muốn sạc nhanh cả, cho nên một cục pin dự phòng có công nghệ sạc nhanh thì bạn nên ưu tiên nó. Hiện tại mình thấy các hãng làm pin dự phòng ưu tiên hai công nghệ là Power Delivery và Qualcomm Quick Charge. 

 

PD và QC nói chung sẽ giúp bạn sạc được nhanh nhất đa phần các thương hiệu smartphone hiện nay cũng như tablet.

Cũng cần lưu ý chọn những cục pin dự phòng có tính năng tự ngắt sạc nếu không sử dụng, ví dụ bạn kích hoạt nó lên và để một hồi nó sẽ tự tắt. Hoặc sạc đầy cho smartphone thì sẽ tự ngắt điện.

Công suất sạc

Thông qua công nghệ sạc mà mình nêu trên thì công suất sạc là tiêu chí rất quan trọng vì thông thường ai cũng muốn sạc nhanh cả. Mình cũng để ý là tuỳ theo dung lượng pin mà hãng làm pin sẽ tích hợp công suất sạc tương đương, ví dụ một số công suất mình hay thấy như:

  • Pin từ 6.000 mAh – 10.000 mAh công suất thường là 18W (PD và QC)
  • Pin từ 20.000 mAh trở lên thì công suất thường 30, 45, 60 thậm chí là 100W.

Tất nhiên các hãng hoàn toàn có thể làm một cục pin 10.000mAh sạc ra với công suất cao như 45W và 60W, tuy nhiên trường hợp này mình rất hiếm thấy có sản phẩm nào như thế.

Cho nên nếu bạn chỉ sạc cho smartphone thì bạn chỉ cần chọn cục pin nào output 18W hoặc 30W là đủ, còn sạc cho laptop nữa thì lên đến 45W hoặc 100W.

Số cổng sạc, chuẩn cổng sạc

Một cục pin dự phòng sẽ bao gồm cổng USB-C, USB-A, microUSB và Lightning. Trong 4 cổng này thì USB-C và USB-A sẽ là output, input thì sẽ là microUSB, Lightning, hay thậm chí USB-C là input để sạc vào cho cục pin luôn.

Như vậy bạn nên biết rằng mình mua cục pin dự phòng thì một lần sạc sẽ cần bao nhiêu cổng cắm tương đương với số thiết bị mà bạn dùng. Như vậy dẫn đến chuyện bạn cần xem tổng công suất mà một cục pin có thể đáp ứng được là bao nhiêu (total output) để tránh phải hiểu lầm, ví dụ tổng công suất của pin là 45W, mà pin của bạn có một cổng output lên đến 45W đó thì khi bạn sử dụng cổng đó rồi thì tương đương với lúc đó pin đã đáp ứng tổng công suất điện ra – cho nên bạn cắm tiếp cổng khác thì công suất sẽ bị chia đi.

Đối với người dùng iPhone, thì có một số sản phẩm pin dự phòng có Lightning tích hợp ví dụ như iWalk, mophie và Anker,… Những sản phẩm này cũng có cổng out/in là USB-C và thêm input là Lightning nữa, cho nên trên lý thuyết chúng ta chỉ cần một sợi cáp Lightning là đủ, vừa sạc cho iPhone vừa sạc vào cho cục pin.

Kích thước, kiểu dáng

Đối với mình thì mình ưu tiên các công nghệ, sạc nhanh của một cục pin dự phòng hơn là thiết kế của nó. Cho nên mình mới đặt tiêu chí thiết kế bên ngoài, kích thước ở dưới. Tất nhiên đối với một số người thì vẫn thích chọn pin đẹp, nhỏ gọn nhất có thể.

Hiện tại các cục pin dự phòng dung lượng từ 6.000 mAh đến 10.000 mAh đều làm rất gọn, đẹp và thời trang. Còn các cục pin từ 20.000 mAh trở lên thì sẽ to và nặng hơn vì giới hạn vật lý mà các hãng vẫn chưa làm nó nhỏ và gọn như các sản phẩm pin dung lượng thấp. Nhưng bạn có quyền được đòi hỏi và tìm kiếm một cục pin có ngoại hình gọn nhất có thể vì nó sẽ là sản phẩm để chúng ta mang theo chứ không phải để ở nhà. Hiện tại mình thấy hãng Zendure đang làm pin có dung lượng và kích thước rất phù hợp, nhìn chung là gọn, ví dụ họ làm dung lượng 26.000 mAh mà kích thước cũng chỉ như một chiếc hộp bánh quy nhỏ.

Chất liệu bên ngoài mà các hãng thường làm pin là nhựa và hợp kim nhôm, hai vật liệu này vừa đẹp, ít bị xấu đi theo thời gian. Mình thì khuyên nên chọn pin bằng nhựa vì dù gì nó cũng đỡ trầy và cầm thân thiện hơn pin nhôm.

Một số ít hãng như Anker và mophie còn lót thêm một miếng vải lên bề mặt pin để người dùng có tình huống sạc smartphone và để smartphone lên phần vải đó cho êm và chống trượt -> đây cũng là một điểm nhỏ khá hay mà bạn nên quan tâm. Tất nhiên mình không rành có hãng nào khác làm kiểu lót vải, nên anh em thử tìm hiểu thêm xem sao, tuy dễ bám bẩn nhưng có vải cũng khá tiện lợi, cầm êm tay nữa