SSD là một trong những nâng cấp hiệu quả nhất mà bạn có thể thực hiện đối với dàn PC của mình – chúng sẽ đẩy nhanh thời gian khởi động máy, giúp các chương trình khởi chạy nhanh hơn, và giảm bớt thời gian của các màn hình chờ trong game. Và công nghệ ổ cứng SSD thì ngày càng tiên tiến hơn so với trước đây.
Nhưng vẫn có khá nhiều điều chưa sáng tỏ xoay quanh những thuật ngữ dùng để miêu tả một số loại ổ cứng SSD hiện có trên thị trường, và chúng thực sự tác động đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày của bạn ra sao.
Những thông tin được tổng hợp từ trang TheInventory dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ổ cứng SSD, để bạn biết nên chi tiền vào đâu trong lần nâng cấp dàn PC tiếp theo của mình.
M.2 chỉ là tên một form factor (kích thước, hình dạng), không phải một giao thức truyền tải
Thời xưa, ổ cứng khá to và cồng kềnh, bạn phải đặt nó vào một khay riêng trong thùng máy. Sau đó các ổ cứng cỡ nhỏ 2.5-inch xuất hiện, có thể đặt vừa vặn vào laptop hoặc những vị trí sâu hơn bên trong thùng máy PC. Ổ SSD sử dụng form factor này và giao tiếp với bo mạch chủ qua cổng SATA giống các ổ cứng trước đây.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một form factor mới đã xuất hiện với tên gọi là M.2. Thay vì kết nối một chiếc hộp chữ nhật vào bo mạch chủ bằng một sợi cáp, M.2 cho phép bạn cắm thẳng một thanh nhỏ – “ổ cứng” – vào bo mạch chủ mà không cần bất kỳ sợi cáp nào, cũng không cần cấp nguồn riêng và không cần cho nó vào hộp nhựa. M.2 không chỉ dành cho SSD, nó còn có thể dùng cho các card Wi-Fi và các linh kiện khác nữa.
Ổ cứng M.2 không nhanh hơn so với các ổ 2.5-inch khác. Nhiều ổ M.2 sử dụng giao diện SATA giống hệt những “người anh em” lớn hơn, chỉ khác ở chỗ chúng cắm vào cổng khác trên bo mạch chủ mà thôi. Ví dụ, ổ Samsung 860 EVO 2.5-inch có cùng tốc độ đọc và ghi như ổ 860 EVO M.2 – dù phiên bản M.2 đắt hơn hẳn. Điều tương tự cũng diễn ra với ổ Crucial MX500 2.5-inch và ổ MX500 M.2 – cùng tốc độ, khác form factor.
Vậy tại sao người ta lại hào hứng với ổ M.2 đến vậy? Tiết kiệm được không gian trong thùng máy đúng là tốt thật, nhưng một lý do khác là ổ M.2 cho phép chúng ta sử dụng một giao thức truyền tải khác, nhanh hơn nhiều so với SATA: NVMe.
Ổ NVMe có tốc độ rất nhanh
Khi chúng ta đã quá quen với tốc độ của kết nối SATA trên các ổ SSD, thì bước độ phá lớn tiếp theo chính là NVMe – viết tắt của Non-Volatile Memory Express (Bộ nhớ không biến đổi cao tốc). Ổ NVMe truyền tải dữ liệu bằng bus PCIe nhanh hơn nhiều – chính là bus được sử dụng bởi các loại card đồ họa hiện nay – thay vì SATA. Điều này cho phép tốc độ đọc và ghi tuần tự nhanh đến điên rồ, vượt trội hoàn toàn so với tốc độ của các ổ SSD SATA.
Samsung 970 EVO là một loại ổ cứng như vậy, với tốc độ đọc và ghi tuần tự gấp từ 5 – 6 lần so với ổ 860 EVO dùng SATA, nhưng chỉ có giá cao hơn 15 USD mà thôi. Ổ 970 EVO Plus thậm chí còn nhanh hơn, nhưng chênh lệch giá so với bản SATA là 60 USD, và ổ 970 Pro thì thuộc hàng đắt nhất của Samsung, có giá cao gấp đôi so với ổ SATA M.2 của hãng.
Trong khi nhiều SSD SATA có tốc độ đọc và ghi tuần tự dao động trong khoảng 500 MB/s, các ổ NVMe có thể đạt hàng nghìn MB/s
Các ổ NVMe cắm vào khe PCIe, nhưng hầu hết đều sử dụng kết nối M.2 nhỏ gọn. Đó là lý do tại sao một số người nhầm lẫn M.2 với NVMe. Nhưng hãy nhớ rằng: hầu hết ổ NVMe dùng kết nối M.2, nhưng không phải mọi ổ M.2 đều dùng giao thức truyền tải NVMe.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi tốc độ ổ NVMe có sự dao động giữa các nhà sản xuất và giữa các ổ cứng khác nhau. Samsung có nhiều ổ cứng tốt nhất trên thị trường, nhưng các hãng khác lại có các ổ NVMe rẻ hơn, như Crucial P1 với giá 100 USD – không nhanh như các ổ NVMe của Samsung, nhưng vẫn nhanh gấp 4 lần so với ổ 860 EVO dùng SATA, dù rằng khi ổ đĩa này đầy thì hiệu năng sẽ bị ảnh hưởng và có tuổi thọ ngắn hơn (giới hạn ghi 200 TB thay vì 300 TB, nhưng hầu hết chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến con số đó trong suốt quá trình sử dụng máy tính đâu).
Vậy nếu bạn sắp sắm hoặc nâng cấp máy tính, bạn sẽ có khá nhiều sự lựa chọn khi tính đến ổ cứng, và có thể sẽ hơi đau đầu một chút đấy!
Nên mua loại nào?
Tốc độ đọc nhanh điên rồ nói trên có thể rất hấp dẫn, nhưng hãy phân tích kỹ hơn một chút.
Đầu tiên, khi nói ổ NVMe nhanh gấp 4 – 6 lần so với ổ SATA, chúng ta đang nói đến tốc độ đọc – ghi tuần tự. Tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên của NVMe – là tốc độ khi máy tính của bạn đang truy xuất dữ liệu nằm rải rác trên khắp ổ đĩa – không cao hơn nhiều so với các ổ SATA. Và bởi hầu hết tác vụ thường ngày đều dựa vào tốc độ đọc và ghi ngẫu nhiên nên người dùng thông thường sẽ chỉ thấy tốc độ tăng lên một chút (nếu thực sự tăng) mà thôi.
Để thử nghiệm hiệu quả thực tế, trang Inventory đã dùng ổ cứng NVMe dòng trung cấp của Samsung là 970 EVO Plus để sao chép (clone) toàn bộ hệ điều hành Windows từ ổ đĩa SATA 860 EVO thuộc dàn PC Ryzen 2600 và đo thời gian thực hiện các tác vụ thường ngày: khởi động PC vào đến màn hình khóa, khởi chạy một vài chương trình, nạp vài game từ menu chính của chúng… Ổ NVMe nhanh hơn ổ SATA, nhưng trong hầu hết các trường hơn, chỉ hơn 1 – 2 giây mà thôi.
Tất nhiên, đó là kết quả không tệ – một vài giây vẫn là khoảng thời gian quý giá. Nhưng rõ ràng sự khác biệt nhỏ hơn nhiều so với sự khác biệt khi chuyển từ ổ cứng xoay truyền thống sang ổ SSD SATA.
Có những trường hợp ổ NVMe sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Nếu bạn đang làm những việc đòi hỏi tốc độ đọc và ghi tuần tự cao, như biên tập nhiều đoạn phim RAW 4K, xử lý các cơ sở dữ liệu SQL lớn, hay truyền tải các tập tin lớn giữa các SSD…, bạn sẽ để ý thấy sự khác biệt về tốc độ đáng kể hơn, và mức giá cao hơn của các ổ đĩa như 970 EVO hay 970 EVO Plus có thể sẽ rất xứng đáng.
Nếu bạn không làm những công việc đòi hỏi tốc độ đọc và ghi tuần tự cao, thì việc chọn dùng NVMe lúc này tùy thuộc…ý thích cũng như mức giá bán của ổ NVMe so với ổ SATA ở thời điểm đó. Nếu chênh lệch không nhiều (như chênh lệch 15 USD giữa 860 EVO và 970 EVO), thì chọn NVMe sẽ tốt hơn. Nhưng nếu chênh lệch giá càng cao, bạn càng nên cân nhắc trước khi bỏ thêm tiền chọn ổ NVMe. Hãy dồn tiền vào một ổ SATA dung lượng cao như Samsung 860 EVO hay Crucial MX500 – hiệu quả mang lại sẽ đáng chú ý hơn nhiều.